Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Những sự cố thường gặp trong Ngôi nhà của bạn

Sự cố: Nhà bị ẩm mốc

Hiện tượng:

Trên tường nhà xuất hiện nhiều mảng mốc màu đen, hoặc các vết lốm đốm màu trắng

Nguyên nhân:

Khi lớp chống thấm bị phá huỷ sẽ gây ra những hư hại cục bộ một cách tự nhiên. Nước ở trong lòng đất thẩm thấu qua tường của bộ phận nhà nằm sâu dưới mặt đất phá huỷ lớp vữa trát ngoài của vật liệu bảo vệ và cả các khối xây bằng đá do hiện tượng mao dẫn bên trong thấm ra bên ngoài của nhà.

Sự tác động thường xuyên của hơi ẩm lên các kết cấu gỗ (dầm, cột và các kết cấu chịu lực khác) dần dần sẽ xuất hiện các mảng “nấm mốc nhà” và chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể phá hoại được các kết cấu đó. Nấm mốc phát triển rất nhanh và xâm nhập vào bất kỳ loại vật liệu xây dựng nào một cách dễ dàng.

Sự ẩm ướt thường xuyên kết hợp với nhiệt ở các phòng tầng hầm và nửa tầng hầm tạo điều kiện cho việc xuất hiện các mảng mốc màu đen.

Chúng ta thường nhìn thấy trên tường của các công trình cũ và cả mới những vết lốm đốm màu trắng - đó là các loại muối có hại như nhóm Clorua, Sulfat và Nitrat. Các muối này có đặc tính rất đặc biệt là chúng có thể hút ẩm ngay cả trong không khí, tích tụ rồi lại nhả hơi ẩm ra. Khi quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra các muối có dạng tinh thể. Sự liên kết các tinh thể của muối mới với các tinh thể của muối đã có sẽ dẫn đến việc phá huỷ các vật liệu của tường, tức là làm cho lớp trát tường bị bong tróc, lớp vữa xây tơi bở, gạch và các loại vật liệu làm tường khác cũng đều bị phá huỷ.

Khắc phục:

Thông thường thì mọi vật liệu xây dựng đều có các mao quản với đường kính từ 20-40 Micromet và nước sẽ thẩm thấu qua các mao quản này. Để lấp kín mạng mao quản trong các khối xây bằng gạch, người ta thường sử dụng loại bitum đặc biệt và vữa chống thấm. Song, cùng với thời gian, trong các công trình đã xây dựng lâu ngày, lớp chống mao dẫn cũng mất dần tính chất và công dụng của nó.

Ngày nay, khi sửa chữa, tôn tạo các công trình cũ để ngăn ngừa khí ẩm từ đất lên theo các mao quản ở trong tường, người ta đặt các tấm chắn bằng kim loại cứng hoặc khoan các lỗ. Các lỗ này có đường kính 30mm được khoan chếch 30 độ cách nhau 15cm dọc theo bề mặt của tường trên một cốt nhất định và có độ sâu bằng chiều dày của tường trừ đi 8cm. Sau đó, các lỗ được lấp dưới một áp lực bằng loại dung dịch đặc biệt cho đến khi các mao dẫn bão hoà. Thường thường thì quá trình này cần được thực hiện ít nhất là 3 lần. Sau khi các lỗ đã lấp đầy dung dịch cần được lau sạch. Dung dịch sẽ biến vữa xây trong tường thành hợp chất silic không hoà tan và lắng đọng trong các mao quản làm cho chúng hẹp lại hoặc bị lấp đầy hoàn toàn. Như vậy là lớp chắn mao dẫn sẽ trở thành lớp chống thấm và khí ẩm không còn khả năng thẩm thấu lên trên.

Việc xây dựng các màn chắn kiểu như vậy có thể được thực hiện theo một số phương án như sau:

- Màn chắn có thể xây dựng ở bên ngoài nhà cao hơn mặt đất để ngăn chặn khí ẩm từ đất lên. Việc làm cho khối xây nằm dưới màn chắn luôn khô ráo là khó có thể đảm bảo được, nên trong trường hợp này thì mặt trong của tường và phần chân tường nhô ra ngoài cần được gia cố bằng loại vữa đặc biệt

- Màn chắn có thể bố trí ở chân tường phía bên trong của các phòng tầng hầm cùng với lớp chống thấm ở phía ngoài, như vậy bề mặt của tường luôn giữ được khô nếu lớp chống thấm bên ngoài không bị phá huỷ hoặc khi cần có thể sửa chữa lại. Trong trường hợp này nước ngầm cần được dẫn về một hệ thống tiêu nước thường xuyên

- Màn chắn có thể bố trí ở phía ngoài cùng với lớp chống thấm ở phía trong, trong điều kiện có sự tác động của nước dưới một áp lực nào đó

- Màn chắn có thể bố trí trên mặt thoáng của nước đối với trường hợp có nước ngầm và nước đọng thường xuyên. Trên bề mặt của tường cần phủ một lớp chống thấm đàn hồi bên trong và để tránh hiện tượng ngưng tụ của hơi nước cần phải trát một lớp vữa đặc biệt bên ngoài.

- Khi tường của tầng hầm là các khối xây kép, tức là độ dày của tường từ 1m trở lên thì màn chắc cần được bố trí cả bên trong và bên ngoài của nhà

- Khi sửa chữa các tường dày thì việc xây dựng các màn chắn sẽ không kinh tế. Trong trường hợp này nên sửa chữa các lớp trát tường bên trong và bên ngoài nhà

- Khi sửa chữa và phục hồi các ngôi nhà cũ và điều kiện thực tế không cho phép giải phóng các mảng tường lớn khỏi các hạt muối có hại thì áp dụng phương pháp đặc biệt để làm vệ sinh lớp trát tường, cụ thể là trên bề mặt của tường gạch đã được làm sạch khỏi vữa trát và sơn, người ta dùng một loại hoá dược đặc biệt phun xịt lên để biến đổi các muối clorit và sunphát bám trên bề mặt thành muối không hoà tan. Sau khi hoá dược đông cứng và những chỗ trong khối xây bị muối phá huỷ nặng người ta tiến hành trát lớp vữa mới có thêm phụ gia đặc biệt.

Trước khi tiến hành sửa chữa nhà và công trình một cách có chất lượng thì đương nhiên là phải thực hiện việc phân tích các hư hại một cách tỷ mỉ. Các kết quả phân tích phải thể hiện được các số liệu về hiện trạng kỹ thuật của nhà và công trình, vị trí của chúng, mực nước ngầm, trạng thái sử dụngg nhà ban đầu và sau này cũng như các yếu tố khác nữa. Trạng thái kỹ thuật của nhà phải được phân tích ở phòng thí nghiệm như: Lấy mẫu gạch-vữa xây, vữa trát và từ các vật liệu xây dựng khác để xác định hàm lượng phần trăm của muối, độ ẩm, các mao quản…Việc phân tích cho phép đề ra các giải pháp cụ thể để tiến hành công tác sửa chữa, phục hồi sau này một cách đồng bộ cũng như xác định được nơi nào thì cần phải xây dựng màn chắn, nơi nào cần phải áp dụng các biện pháp khác để chống khí ẩm xâm nhập vào các kết cấu của nhà…

Sự cố: Nứt ở đầu mép cửa

Hiện tượng:

Thường xuất hiện ở các mép trên của cửa đi, cửa sổ

Nguyên nhân:

Loại vết nứt này xảy ra do đà lanh tô cửa không đủ dài, không đủ đoạn neo gối lên hai đầu tường và trong quá trình sử dụng đã có lúc tường bị đóng quá mạnh.

Muốn ngừa ngay từ đầu, các đà lanh tô trên đầu cửa đi, cửa sổ phải đủ dài, vươn khỏi đố cửa tối thiểu 20cm (nếu được thì nên đúc đà lanh tô qua cột). Việc tiết kiệm không đáng chiều dài đà lanh tô dẫn đến kết quả là rất khó sửa các loại vết nứt này.

Khắc phục:

Cách sửa hiệu quả nhất là đục lấy hẳn đà lanh tô ra, thay lại đà khác dài hơn, đủ neo hơn. Việc đập vỡ cục bộ đầu lanh tô, đắp vữa vào chỉ tăng độ cứng rất ít, thường không hiệu quả, nghĩa là sẽ bị nứt lại một thời gian sau đó, nhất là khi cửa đóng mạnh.

Sự cố: Vết nứt bất kỳ trên tường

Hiện tượng:

Các vết nứt nghiêng trên tường là loại vết nứt "khó chịu" nhất và sẽ khó sửa nhất. Thường nó có thể xuất hiện tại nhiều mảng tường, ở nhiều tầng. Quy luật là xuất hiện sát mép sàn, gần các cột và xiên dần vào giữa mảng tường; hoặc xuất hiện ở các góc dưới của bậu cửa sổ, xiên xuống dưới.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân là nhà hay công trình của bạn đã bị lún ít nhiều rồi! Muốn sửa phải chống lún bằng nhiều giải pháp khác nhau, đều có khó khăn và tốn kém. Việc đục rỗng vết nứt, đóng "gông" (đinh đỉa) để "may" vết nứt lại chỉ tạm thời, không hiệu quả; vì không ngăn chặn được nguyên nhân gây ra và sẽ bị nứt lại, có thể là chỗ cũ hay quanh đó.

Khắc phục:

Đối với loại vết nứt này, nếu nặng, ngày càng phát triển, nên tìm đến những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để nhờ sự giúp đỡ cần thiết, chính xác. Lưu ý rằng, việc đầu tiên, chủ nhà, khi phát hiện vết nứt là phải đánh dấu (tốt nhất là bút chì), bằng nét gạch thẳng góc với phương khe nứt, ghi lại ngày tháng và theo dõi qua thời gian, các vết nứt có vượt điểm đánh dấu hay không. Nếu vượt qua, có nghĩa là vết nứt tiếp tục phát triển, cần có biện pháp xử lý đúng mực, đúng bệnh.

Sự cố: Gạch ốp tường bị nứt, vỡ

Hiện tượng:

Trên mảng tường ốp gạch (thường là tường khu phụ), có một vài viên gạch xuất hiện các đường nứt, vỡ nhỏ

Nguyên nhân:

Có thể do hai nguyên nhân: do độ ẩm cao của bề mặt tường, hoặc do va chạm vật lý

Khắc phục:

Nếu nguyên nhân do độ ẩm của bề mặt tường thì phải tiến hành xử lý bề mặt tường sau đó mới thay gạch. Còn nếu chỉ do va chạm vật lý gây nên hiện tượng nứt vỡ gạch thì có thể tiến hành thay gạch. Kỹ thuật như sau:

Dùng dao cắt kính khắc 2 vạch chéo tạo thành chữ X trên mặt viên gạch. Khoan một lỗ tại điểm giao nhau của hai đường này. Như thế, độ căng của viên gạch bị triệt tiêu hoàn toàn. Nó vỡ mà không ảnh hưởng tới những viên xung quanh.

Sau đó, làm vệ sinh phần mặt tường ở phía sau viên gạch, dùng giấy ráp làm sạch tất cả những phần keo dính hoặc xi măng ở sau viên gạch cũ. Gắn chất keo dính vào bề mặt tường tạo thành một bề mặt phẳng. Sau đó dùng búa gõ vào phần đệm phía trên viên gạch mới để tránh làm vỡ gạch.

Sự cố: Tường nhà (tường cũ) bị nứt và thấm nước

Hiện tượng:

Trên tường có nhiều vết rạn chân chim, các mảng tường bị ngấm nước, gây ẩm bề mặt tường, tường bị ố vàng

Nguyên nhân:

Do lớp sơn bảo vệ bên ngoài của tường bị bong tróc, rêu mốc hoặc tường bị rạn nứt. Lâu ngày nước mưa và hơi ẩm theo các vết nứt nhỏ thẩm thấu vào trong tường làm ảnh hưởng đến cấu trúc ngôi nhà

Khắc phục:

Dùng các loại sơn chống thấm để xử lý. Trước tiên phải cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi bằng bàn chải cứng, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc của các hãng sơn để rửa sạch khu vực bị thấm.

Dùng vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột trét chuyên dùng dành cho tường ngoài trời. Ðể đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt cần sơn được sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1- 2 lớp sơn chống thấm lên trên.

Sự cố: Nứt dầm, cột, tường - nứt chân chim nhẹ và cạn
Hiện tượng:

Trên thân cột, dầm, trên thân tường xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ, cạn, hình chân chim

Nguyên nhân:

Vết nứt nhẹ, cạn, hình chân chim thường chỉ nằm ở lớp vữa trát, không ăn sâu vào tường gạch... thường có các lý do: kỹ thuật tô tường (tường khô quá vẫn tô, hồ trộn không đều, hồ tô mỏng - tối thiểu phải 1cm, tô xong bị nắng nhiều, không dưỡng hộ đúng...). Hoặc việc tô trát và sơn nước không đúng kỹ thuật, thi công sai quy trình.

Khắc phục:

Cần đục lớp hồ cũ dọc theo các vết nứt, xử lý kỹ, đủ ẩm và tô lại bằng vữa già xi măng, cát mịn. Nếu bị dộp, cần đục bỏ toàn bộ mảng tường để tô lại. Lớp hồ tô phải để tối thiểu 7 ngày mới cho xử lý chà, trét, sơn nước.

Sự cố: Nứt dầm, cột, tường - vết nứt sâu, xuyên qua tường xây
Hiện tượng:

Trên thân cột, dầm, trên thân tường xuất hiện nhiều vết nứt, nứt sâu, thậm chí xuyên qua cả tường xây

Nguyên nhân:

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột thì do kỹ thuật thi công, đã không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường.

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà: cũng do lỗi thi công đã không xử lý hồ dầu và ẩm đúng, đồng thời xây không đúng quy định (xây xiên, xây bằng gạch đinh, gạch thẻ, các góc trống phải miết kỹ hồ). Hệ quả là trong quá trình đông cứng, tường và cả hồ xây, trát đều co ngót một phần làm xuất hiện vết nứt ngang.

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà thường thấy ở các tầng: cũng do lỗi kỹ thuật thi công. Sau khi đúc đà, sàn các tầng, trước khi xây tường, ở mặt bê tông sẽ xây phải làm thật sạch, đủ ẩm; phải có một lớp hồ dầu, miết kỹ. Nên xây trước tối thiểu là 3 hàng gạch đinh (gạch đặc). Ðộ cứng được chuyển dần từ đà sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống, sẽ hạn chế xuất hiện khe nứt. Nếu không thực hiện chuẩn, có thể có vết nứt.

Khắc phục:

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột: dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch, ẩm và phụt vữa sửa chữa loại đông cứng nhanh bán sẵn và trát lại bằng vữa trát thông thường.

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà:Có thể dùng biện pháp sửa chữa vết nứt như trên. Hoặc đục hàng gạch trên cùng ra để xây lại theo đúng quy định.

- Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà:Cách sửa có thể bằng vữa cao cấp như đã nêu, tuy nhiên giá thành khá đắt.

Những vết nứt này chủ yếu do đà sàn bị võng. Do đó tiết diện các cấu kiện (đà) phải đủ độ cứng cần thiết và cốt thép đủ sao cho độ võng này không đáng kể. Chính những vết nứt này, ở tường ngăn khu vệ sinh, ở tường đầu hồi là chỗ dễ thấm nước, gây loang lổ.

Sự cố: Nhà bị mối mọt

Hiện tượng:

Trong nhà, tại một số vị trí như: gầm cầu thang, khu công trình phụ, vách ngăn, trần nhà bằng gỗ, cót ép, gầm giường, gầm tủ, gỗ ốp chân tường,… xuất hiện dấu hiệu của mối: gỗ bị ăn, tiếng mối gặm, …

Nguyên nhân:

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện nóng ẩm rất thích hợp cho mối sinh sôi nảy nở và phát triển. Cứ vào đầu mùa mưa, sau vài cơn mưa mối sẽ bay vào nhà và xung quanh các bóng đèn sáng, bị rụng cánh. Sau đó mối cái và mối đực sẽ bắt cặp với nhau và tìm góc nhà, kẹt tủ làm tổ. Như vậy, chỉ sau ba tháng là nhà bạn sẽ có tổ mối được hình thành.

Khắc phục:

- Trong bất cứ công trình xây dựng nào sự xâm nhập của mối bao giờ cũng bắt đầu từ chỗ ẩm và tối, cho nên cần kiểm tra kỹ ở những nơi này (khu vực gầm cầu thang, khu công trình phụ, vách ngăn, trần nhà bằng gỗ, cót ép, gầm giường, gầm tủ, gỗ ốp chân tường). Ngoài ra, cần kiểm tra các vườn cây, chú ý những khu đất cao, những cây lớn lá úa vàng, chậm phát triển, các gốc cây mềm như dứa, rau ngót, mía…

- Có nhiều cách diệt trừ tận gốc sự xâm hại của mối, trong đó phương pháp xử lý bằng công nghệ sinh học lây bệnh là đạt hiệu quả cao nhất. Một con mối từ khi dính thuốc sinh học đến khi chết đi sẽ đi được một quãng đường dài 145m.Trong khoảng thời gian này chúng đã kịp thời san sẻ thuốc cho đồng loại. Do sự san sẻ thuốc mỗi lúc một ít đi vì thế khi bơm thuốc phải bảo đảm đạt từ 10-20% quân số trong tổng số bình quân 3-5 triệu con/tổ trúng thuốc mối thì mới diệt hết được cả tổ mà không tái đi tái lại.

- Biện pháp triệt để là dùng phương pháp đặt mồi nhử mối thợ đến ăn, sau đó phun thuốc hóa sinh vào mối thợ để chúng về tổ lây nhiễm thuốc sang làm chết mối chúa. Làm theo cách này từ 2 tuần đến 4 tuần là có thể xóa sạch các tổ mối trong nền đất mà không gây độc hại cho môi trường. Thuốc diệt mối loại này là PMC – 90. Cách làm như sau: đặt mồi nhử gần nơi nghi có tổ mối. Trường hợp tổ mối ở giữa tường thì phải làm giá treo. Số lượng hộp mồi tùy thuộc vào mối đã có lâu hay mới có, diện tích nhà rộng hay hẹp. Tính bình quân từ 10-12m2 đặt một hộp mồi. Nếu toàn bộ công trình có mối hoạt động cần tăng cường số hộp nhử mối ít nhất gấp 1,5 lần. Nếu mối đã xông vào đống gỗ hoặc tủ sách với số lượng lớn thì không phải nhử. Thời gian nhử đối với mùa ấm là 10 đến 15 ngày, còn mùa rét 20 đến 30 ngày. Mồi có thể làm bằng gỗ thông trắng, trám trắng có tẩm dung dịch đường 1%, cũng có thể làm mồi bằng bã mía.

Sau khi đặt mồi nhử, thấy mối đến ăn mồi thì tiến hành phun thuốc. Công đoạn phun thuốc rất quan trọng vì càng nhiều mối thợ dính thuốc chạy được về tổ càng tốt. Trước hết dỡ các miếng mồi đặt vào chậu khô, sau đó cầm ngang lọ thuốc, bóp tạo ra lớp bụi phun lên các con mối trên bề mặt miếng mồi, rồi nhẹ nhàng xếp trở lại hộp, để hộp vào đúng vị trí cũ. Hai ngày sau khi mối rút hết về tổ thì dọn bỏ hộp. Không phun thuốc vào thời điểm gió mùa đông bắc hoặc nhiệt độ xuống dưới 200C. Khi phun thuốc phải mang khẩu trang, không cho gà ăn mối đã phun thuốc và không dùng mồi đã phun thuốc làm củi đun.

- Nhìn chung việc trừ mối tương đối khó khăn, vì vậy việc phòng không bị mối xâm hại là hết sức cần thiết. Trước hết, không trồng cây rậm rạp, không chứa củi, gỗ, rơm rạ sát chân tường. Cần đào hết gốc những cây thân gỗ trong vườn đã đốn hoặc hạ chết. Thứ hai: giữ cho nhà luôn sạch mát, thông thoáng. Không kê đồ gỗ sát tường mà kê cách ít nhất 1-2 m. Thứ ba: không mang đất, vật liệu có dính mối về nhà. Và cuối cùng khi phát hiện tổ mối phải diệt ngay không để chúng lây lan phát triển. Làm được những việc trên là hạn chế sự phá hoại của mối và giữ cho công trình bền vững.

Sự cố: Nhà bị rêu mốc
Hiện tượng:

Sau một thời gian sử dụng, một số chỗ trên tường nhà bị bám rêu mốc, rồi có thể loang dần ra xung quanh

Nguyên nhân:

Rêu mốc xuất hiện trên bề mặt tường thường do sử dụng lớp che phủ bề mặt tường (bả, sơn) không đúng cách, xuất hiện trên sàn do lựa chọn gạch lát không hợp lý

Khắc phục:

Thông thường rêu mốc hay xuất hiện ở những mảng tường gần nơi ẩm ướt. Do đó đối với những mảng tường này cần đặc biệt quan tâm giải pháp chống rêu mốc. Có một vài điểm lưu ý như sau:

- Nên sử dụng loại bột bả chuyên dụng, chất lượng tốt. Có thể mua loại bột bả của chính hãng sơn tường để tránh hai loại vật liệu không tương thích với nhau.

- Tường nơi ẩm ướt, nhất là tường ngoài trời nên kết hợp sơn phủ với sơn lót. Lớp sơn lót này có tác dụng chống rêu mốc, ngả màu, đồng thời tạo cho tường một màu sắc mịn đẹp.

- Nếu tường cũ có hiện tượng rêu mốc thì phải chà sạch, rửa sạch bằng nước và dùng chất chống rêu mốc để diệt vi khuẩn trước khi sơn lại.

- Đối với sàn nhà, để tránh bị rêu mốc, cần xử lý độ dốc, rãnh thoát nước để tránh hiện tượng tù đọng nước, nên sử dụng loại gạch lát nền tốt, bề mặt đã được xử lý chống rêu mốc, trơn trượt.

Sự cố: Tường quét nước xi măng bị loang lổ

Hiện tượng:

Trên bức tường quét bằng nước xi măng xuất hiện những vệt loang lổ hoặc những mảng lớn màu xám đen và trắng mốc khác nhau

Nguyên nhân:

Nguyên nhân có thể do đã dùng hai loại xi măng khác nhau để pha vữa quét, hoặc cũng có thể do tường được trát bằng hai mẻ vữa có lượng xi măng khác nhau (trộn hai lần) trên mảng tường trát trước và trát sau nối tiếp nhau

Khắc phục:

Để tránh hiện tượng trên, cần dùng nước xi măng pha thật loãng để quét và quét ít nhất hai lần chứ không quét một nước xi măng đặc như thói quen thường thấy.

Có thể pha thêm vào một chút sơn polime - xi măng hoặc sơn tường cho dễ quét hơn.

Nên quét hai nước cách nhau ít nhất 04 giờ, để lớp thứ nhất kịp khô se sẽ dễ bám lớp thứ hai hơn.

Sự cố: Mái tôn bị dột

Hiện tượng:

Mái tôn che đậy nhà bị dột sau vài trận mưa, nước ngấm và chảy thành giọt vào nhà

Nguyên nhân:

Mái tôn sử dụng loại tôn kém phẩm chất, cấu trúc mái tôn chỉ bao gồm một lớp

Khắc phục:

Trước tiên hãy xem xét kỹ các lỗ thủng. Đầu tiên lau sạch vùng xung quanh lỗ thủng rồi dùng keo silicon gắn lại. Nếu không có, dùng tấm bọt biển nhúng vào một chút xăng cho mềm ra rồi nhét vào lỗ thủng. Đây là cách chữa rẻ tiền nhưng khá hiệu quả. Lỗ thủng nhỏ có thể gắn lại với một chút sơn đặc.

Sự cố: Tường bị bụi bẩn

Hiện tượng:

Sau một thời gian sử dụng, các mảng tường trong nhà bị bám bụi, hoặc các vết bẩn hữu cơ khác, rất khó chùi rửa

Nguyên nhân:

Nguyên nhân là do sử dụng vật liệu bao phủ tường không đúng cách, và cách bảo quản tường không hợp lý

Khắc phục:

Trước đây để phủ bề mặt tường người ta thường dùng vôi ve hoặc nước xi măng. Đây là hình thức khá tiết kiệm về kinh tế nhưng hiệu quả thấp, tường nhanh chóng xuống cấp. Để tránh hiện tượng tường bị bẩn, xuống màu nên sử dụng sơn nước loại tốt, nên kết hợp với lớp sơn lót để chống các hiện tượng xâm thực, ẩm mốc, đồng thời dễ lau rửa các vết bẩn.

Tường không bả matit có thể tạo ra một độ sần nhất định, tạo chất cho mảng tường, là một ý đồ về tổ chức nội thất, nhưng với việc bả matit, bề mặt tường trở nên bóng mịn, rất dễ dàng cho việc chùi rửa sau này.

Ngoài ra, đối với các mảng tường ở khu vực ẩm ướt, nên sử dụng loại sơn chống thấm ngoài trời để bảo vệ.

Sự cố: Sắt thép bị gỉ, ăn mòn

Hiện tượng:

Các kết cấu thép trong nhà như thép chịu lực hệ khung bê tông cốt thép, dây tiếp địa chống sét, cột thu lôi, cọc tiếp địa, các hoa sắt cửa, … bị gỉ, ăn mòn do tác động của môi trường, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn rất nguy hiểm

Nguyên nhân:

Do sắt thép không được sơn phủ kỹ, tiếp xúc với không khí, nước (đặc biệt là nước mưa) nên bị ôxi hoá mạnh, gây ra hiện tượng gỉ, ăn mòn. Đối với kết cấu chịu lực có thể gây nguy hiểm cho cả căn nhà

Khắc phục:

Biện pháp chống gỉ, ăn mòn tốt nhất là cách ly sắt thép với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Thông dụng nhất là dùng sơn. Đầu tiên là sơn lót chống gỉ. Ta thường dùng một loại sơn chống gỉ trong đó có Dioxit chì nên có màu da cam sẫm. Sau đó mới phun lớp sơn trang trí theo ý các nhà thiết kế. Sơn là để tránh ôxy hoá mà ôxy hoá mạnh nhất là nước mưa.

Đối với các kết cấu chịu lực cho khung nhà, tốt nhất vẫn là bao phủ kín bằng bê tông. Bê tông là hỗn hợp trộn bởi xi măng, cát, nước và cốt liệu sỏi đá. Bê tông không chỉ làm gia tăng khả năng chịu nén cho thép mà còn tránh cho thép không bị ôxi hoá. Vì vậy khi đổ bê tông phải lưu ý bao trọn vẹn các thanh cốt thép, không để hở, lộ cốt thép ra ngoài, đầm bê tông phải đúng kỹ thuật, tránh hiện tượng bê tông bị phân tầng, tạo thành các lỗ rỗng trong lòng bê tông để nước có thể thẩm thấu qua, chẳng những gây thấm dột mà còn làm gỉ cốt thép.

Đối với các cọc tiếp địa, dây dẫn sét, kim thu sét, phải được mạ kẽm hoặc sơn chống gỉ thật kỹ càng.

Sự cố: Tường nhà (tường mới) bị nứt, thấm nước

Hiện tượng:

Trên tường có nhiều vết rạn chân chim, các mảng tường bị ngấm nước, gây ẩm bề mặt tường, tường bị ố vàng

Nguyên nhân:

Do lớp sơn bảo vệ bên ngoài của tường bị bong tróc, rêu mốc hoặc tường bị rạn nứt. Lâu ngày nước mưa và hơi ẩm theo các vết nứt nhỏ thẩm thấu vào trong tường làm ảnh hưởng đến cấu trúc ngôi nhà

Khắc phục:

Dùng bột trét tường loại dành cho ngoài trời phủ kín bề mặt. Sau đó làm phẳng và láng bề mặt tường, dùng dụng cụ chuyên dùng phủ lớp sơn lót rồi mới đến lớp sơn chống thấm.

Trước tiên phải cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi bằng bàn chải cứng, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc của các hãng sơn để rửa sạch khu vực bị thấm.

Dùng vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột trét chuyên dùng dành cho tường ngoài trời. Ðể đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt cần sơn được sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1- 2 lớp sơn chống thấm lên trên.

Sự cố: Nhà bị nồm, ẩm

Hiện tượng:

Các ngôi nhà có nền men, kính đều bị ướt và trơn trượt, quần áo giặt rất lâu khô, chăn màn khi sờ vào đều có cảm giác dính ướt. Nếu trời ẩm hơn nữa, các bức tường sơn cũng ướt nhẫy, cầu thang đá granito sẽ trơn trượt, rất dễ bị ngã.

Nguyên nhân:

Nồm ẩm là hiện tượng đọng sương bề mặt do gió nồm chứa hàm lượng nước cao thổi vào nhà mang theo hơi nước

Khắc phục:

Dân gian có một số biện pháp chống nồm như lót nền bằng bao xi măng, đổ xỉ than… khi xây dựng, nhưng vẫn không chống được nồm bởi độ ẩm theo không khí vào nhà.

Biện pháp dùng vôi để ở góc nhà ít có tác dụng và chỉ giải quyết được trong phạm vi nhỏ

Có thể hạn chế nồm ẩm bằng cách:

- Nếu biết độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, hãy đóng kín cửa, bịt các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Nếu mở cửa cho thoáng, bạn sẽ làm nhiều không khí ẩm vào nhà và độ ướt nhẫy càng cao.

- Khi đã bị không khí ẩm vào nhà rồi, ngoài việc đóng kín cửa, nên dùng thêm biện pháp cưỡng bức là mở máy điều hòa 2 cục hoặc máy hút ẩm để khử ẩm.

- Muốn tránh ồm ẩm, khi xây nhà mới, nên dùng các loại vật liệu xốp, thô mộc truyền thống.

- Với các trang thiết bị điện tử, điện thoại khi trời ẩm nên làm nóng máy để bốc hơi nước hoặc dùng máy sấy để sấy khô. Với máy tính, ti vi, hãy mở liên tục để chống ẩm cho chân bóng, màn hình. Với máy photocopy, nên dùng máy sấy xì vào các núm điều khiển. Các loại máy móc khác như máy ảnh cần đặt thêm gói hút ẩm để không bị mốc ống kính.

Một phương pháp hiệu quả khác để chống nồm là dùng các giải pháp cấu tạo thích hợp để giải quyết kỹ yêu cầu cách nhiệt nhằm nâng nhiệt độ mặt sàn cao hơn nhiệt độ điểm sương của không khí một cách nhanh chóng, tức thời, đồng thời cách lượng nước được mao dẫn từ lòng đất lên, thoát được nước ngưng tụ trong kết cấu sàn. Có thể tham khảo một số giải pháp như sau:

- Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp cát khô dày 200 - 300 mm, có thêm lớp bi tum cao su, xi măng - cát vàng cách nước ngưng tụ, do đó kết cấu sàn có khả năng chống nồm hiệu quả hơn.

- Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt dày 100 - 200 mm

- Mặt sàn bê tông lưới thép mặt Granito 400 x 400 x 20 mm có thêm chân cao 20 mm tạo thành lớp không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn

- Mặt sàn bằng gỗ lim (hoặc gỗ dán, paket…) được đặt trên dầm gỗ cao 20 mm tạo thành kênh không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn

- Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp polystirol cường độ cao có γ = 35 - 50 kg/m3, dày 20 mm, có 2 lớp cách nước bằng bi tum cao su.

- Sàn nhà được cách nhiệt bằng vật liệu cách nhiệt hỗn hợp: một lớp gạch xốp cách nhiệt γ = 400 - 700kg/m3; λ = 0,08 : 0, 13 kcal/m.h. 0C; dày 20 mm và mọt lớp Polystirol cường độ cao γ = 35 - 50 kg/m3; dày 15 mm, giữa các lớp là keo dán; có một lớp cách nước bằng bitum cao su.

- Mặt sàn bằng bê tông lưới thép mặt granito 400 x 400 x 20 mm. Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt có γ = 700 - 900 kg/m3; λ = 0,15 - 0,19 kcal/m.h.0C, dày 100 mm.

- Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp gạch rỗng 4 lỗ chữ nhật có γ = 715kg/m3; độ rỗng > 48%; kích thước 300 x 200 x 105 mm; cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên bằng lớp xi măng - cát vàng, mác > 75, dày 400 mm và lớp bi tum cao su.

Trên lớp đất nện, dưới lớp bêtông gạch đá có thể thêm lớp cát khô đẫm kỹ dày > 100 mm hoặc đá cuội làm lớp đệm của nền để thoát hết nước. Khi thi công chỗ tiếp giáp giữa mặt sàn và tường cần vén thêm lớp xi măng - cát vàng mác cao, hoặc một phần viên gạch lát sàn (cao 100 mm), hoặc lớp sơn bi tum cao su để cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên ngấm vào kết cấu sàn, tường.

Sự cố: Trần, sàn mái bê tông bị nứt, thấm, dột

Hiện tượng:

Trên trần nhà thấy có nhiều vết rạn chân chim, trần ngả màu, ố vàng, vài chỗ bị đọng nước nhỏ giọt xuống dưới

Nguyên nhân:

Thấm dột mái và sàn nhà chủ yếu là do mái và sàn đã cũ, bị nứt, hở hoặc bị đọng nước lâu ngày. Ở những nhà chung cư, nếu bị thấm dột từ trên trần hoặc từ nhà vệ sinh của tầng trên thì việc chống thấm khá khó khăn và chỉ có thể khắc phục tạm thời.

Khắc phục:

Việc thấm dột từ trần nhà chung cư chủ yếu từ khu vực nhà vệ sinh hay bể nước của các nhà ở tầng trên. Nếu trần chỉ mới bị ố vàng có thể dùng các loại sơn chống thấm có đặc tính khô nhanh trong một hoặc hai giờ.

Trong trường hợp trần bị thấm nước nhiều gây dột thì phải khắc phục bằng cách đập bỏ lớp gạch của sàn nhà khu vực bị thấm. Sau đó phủ bề mặt bằng một lớp sợi thủy tinh và keo chống thấm. Cuối cùng trét một lớp xi măng và lát gạch lại như cũ.

Trên những mái nhà bị thấm dột, có thể áp dụng một số biện pháp như trám bít các vết nứt trên máng xối, ô văng, sân thượng bằng hỗn hợp vữa gồm xi măng, cát và chất chống thấm với độ dày ít nhất 1cm; kiểm tra các ống thoát nước không cho nước thoát thẳng vào đỉnh, mặt tường hoặc các chỗ nối giữa mái, tường và cửa sổ.

Tại điểm nứt giữa đỉnh tường và mái, khi không trám bít hiệu quả thì dùng những tấm nhôm mỏng để che nước cho vết nứt. Việc thấm dột mái còn do các máng xối có lòng cạn, khi mưa lớn nước không thoát kịp và bị tràn lên mái. Trong trường hợp này phải thay mới máng xối có lòng sâu hoặc đục thêm lỗ thoát nước dưới vị trí bị tràn.

Cũng có thể be mặt mái bằng cốp pha kín, sau đó đổ vữa xi măng vào, vữa xi măng sẽ ngấm vào bề mặt bê tông qua các khe rỗng, khi ngưng kết sẽ trám hết các khe rỗng này làm bê tông liền lại. Sau đó nên xử lý lại bề mặt bằng vữa xi măng tinh trộn phụ gia chống thấm.

Sự cố: Cách âm, chống ồn cho nhà
Hiện tượng:

Nhà không có khả năng chống ồn, cách âm từ các nguồn âm xung quanh

Nguyên nhân:

Thông thường khi hai nhà kế cận đã có tường riêng rồi thì tiếng ồn trong sinh hoạt hàng ngày ít truyền qua tường mà hay truyền qua hệ thống cửa và mái, thông qua các phản hồi âm bên ngoài

Khắc phục:

Chống ồn tại tường có thể sử dụng gạch lỗ rỗng, có khả năng cách âm tốt hơn gạch đặc. Nếu có điều kiện xây tường hai lớp, ở giữa là lớp không khí thì đó là điều kiện cách âm lý tưởng nhất. Tường bao ốp ván (trát vữa dày), mặt trong nhà ốp tấm thạch cao dày hoặc lớp xốp vừa có tác dụng cách nhiệt đồng thời lại chống ồn hiệu quả. Các bức tường sát về phía có nguồn âm thanh có thể đặt tủ tường, tủ chứa đồ, tủ sách lớn làm giảm sự truyền âm qua không khí giữa các phòng. Nếu nhà rộng có thể bố trí cửa so le để phân tán luồng âm trước khi sóng âm đến phòng kế cận.

Chống ồn tại cửa có thể dùng các joint cao su để bịt kín khe hở, hoặc dùng cửa hai lớp, cửa bằng ván nhân tạo ép mật độ cao (DHF), cửa nhôm kính cách âm. Cần lưu ý các cửa tiếp giáp với bên ngoài đều nên có joint cao su bít kín cac khe tiếp giáp khuôn, cánh và sàn nhà.

Chống ồn do nguồn ồn truyền qua mái nhà thì có thể dùng ngói thay cho tôn sẽ ít ồn hơn, hoặc dùng tấm móp trải trên trần và bít kín bằng băng keo. Hoặc dùng tấm thạch cao cách âm cũng là giải pháp hữu hiệu vừa đem lại thẩm mỹ vừa chủ động trong việc bố trí hệ thống kỹ thuật duới mái.

Vật liệu này còn có thể làm chủ động trong việc bố trí hệ thống kỹ thuật duới mái. Vật liệu này còn có thể làm dạng tường mỏng ốp bên ngoài tường gạch, vừa giúp cách âm ngang vừa tham gia vào việc trang trí nội thất.

Hiện nay, tấm tôn PU mạ kẽm hoặc mạ màu cũng là vật liệu cách âm cách nhiệt khá tốt do cấu tạo có một lớp xốp kẹp giữa hai mặt tôn.

Ngoài ra, nên đặt vấn đề cách âm ngay tại nguồn gây ồn, tức là trao đổi với người hàng xóm để các phòng karaoke cách âm.

Sự cố: Ống dẫn nước của chậu rửa bị tắc

Hiện tượng:

Sau một thời gian sử dụng, ống nước của chậu rửa không thể thoát nước hoặc thoát rất chậm, nước đùn ứ lên

Nguyên nhân:

Đây là việc thường xảy ra do rác thải rơi xuống và đọng lại lâu ngày tại những góc của ống dẫn.

Khắc phục:

Cần nhớ rằng, hoá chất tẩy rửa không giải quyết được vấn đề này, mặt khác, còn có thể làm bỏng tay người dùng hoặc ảnh hưởng tới độ bền của đường ống. Tốt nhất nên đổ đầy nước vào đường ống dẫn nước rồi dùng một que thông tắc thục mạnh nhiều lần.

Nên dùng que thông trên nhiều đoạn đường ống để đảm bảo giải quyết triệt để những chỗ tắc. Trước khi thông tắc nhớ tắt hết vòi nước và trong quá trình thông tắc, nên cùng lúc vệ sinh đường ống để tránh các vấn đề mới phát sinh sau này.

Sự cố: Sàn gỗ công nghiệp có tiếng cọt kẹt

Hiện tượng:

Sàn gỗ công nghiệp dùng lâu ngày khi đi phía trên phát ra tiếng cọt kẹt

Nguyên nhân:

Nguyên nhân thông thường là do phần đệm của các mảnh ván sàn phía dưới sàn bị lệch nhau

Khắc phục:

Có thể sửa theo 2 cách. Mở sàn nhà từ phía dưới và chỉnh lại những phần nối và giá đỡ ở dưới sàn nhà.

Nếu không thể tiếp cận sàn nhà từ phía dưới thì có thể dùng đinh đóng trực tiếp trên sàn. Tuy nhiên, trước khi đóng, nên khoan những lỗ định hướng trước để tránh làm nứt sàn gỗ. Đóng đinh xong thì dùng những loại keo và mạt gỗ để lấp lại lỗ do đinh tạo ra.

Sự cố: Nhà bị nóng từ trên mái

Hiện tượng:

Các nhà cao tầng, thường các tầng phía trên phải chịu sức nóng hấp thu mạnh từ trên cao, nên nóng như lò lửa, hầu như không sử dụng được hoặc chỉ sử dụng được vào buổi tối.

Nguyên nhân:

Hiện tượng nhà bị nóng trên mái thường do giải pháp kết cấu mái và lựa chọn vật liệu cho mái không hợp lý ngay từ khi xây dựng công trình

Khắc phục:

- Nên sử dụng mái tôn kết hợp với trần giả che phía dưới (trong nhà). Mái tôn nên sử dụng loại tôn cao cấp (tôn 3 lớp - chống nóng, chống ồn), phía ngoài bề mặt nên sử dụng lớp sơn tĩnh điện. Phía trong nhà, dưới mái tôn nên làm trần giả treo, có thể làm bằng trần thạch cao hoặc trần nhựa. Ở khoảng giữa, nên để trống sao cho gió có thể thổi lùa qua. Cũng có thể nhồi xốp hoặc bông thuỷ tinh cách nhiệt vào khoảng hở này.

- Nếu là mái bằng, có thể sử dụng phương pháp tổ chức thoát nước mái thật tốt, sau đó làm hồ cảnh, vườn cây nhỏ vừa góp phần giảm bớt nhiệt độ vừa là nơi nghỉ ngơi thư giãn. Nếu không có điều kiện thì có thể sử dụng lớp gạch rỗng tôn nền, rồi lát bằng loại gạch chống nóng hữu hiệu ở trên. Lưu ý: khi chọn gạch lát phải cẩn thận vì nếu chọn loại có phẩm chất không tốt có thể gây ra hiện tượng đóng rêu, gây ra thấm dột cho nhà.

- Giải pháp quả cầu gió chỉ thực sự hữu hiệu khi quả cầu nằm đón hướng gió chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét